18 Tháng Ba, 2023
Cách viết trang giới thiệu website hay, độc đáo và hấp dẫn
Có lẽ bạn đã biết trang giới thiệu quan trọng như thế nào đối với một website. Đây không chỉ là nơi để bạn thể hiện mình, mà còn là chỗ cho khách hàng, độc giả quyết định có chọn bạn cho những dự án, nhu cầu của họ hay không. Vì lẽ đó, bạn cần viết trang giới thiệu thật chỉn chu nhằm nâng cao uy tín cũng như tạo sự độc đáo để nêu bật website, thu hút mọi người. Vậy, làm thế nào để viết một trang giới thiệu hay và hấp dẫn? Bài viết sau của MONA Media sẽ giải đáp cho bạn.
Vì sao bạn cần trang giới thiệu?
Khi ghé thăm website của bạn, một người chưa biết gì về bạn hay doanh nghiệp của bạn chắc hẳn sẽ ghé trang giới thiệu của bạn đầu tiên. Vì họ tò mò, họ rất muốn biết về bạn, muốn biết bạn làm gì hay cung cấp những gì. Đây chính xác là lúc bạn phải bắt lấy sự chú ý của họ.
Lúc này, bạn sẽ cho họ thấy bạn có gì, bạn khác biệt ra sao, bạn đáng tin thế nào để họ nên chọn bạn chứ không phải rất nhiều website ngoài kia.
Mà người dùng Internet thường rất vội. Vì vậy, bạn lại càng phải có một trang giới thiệu thật thu hút, với nội dung đầu tư thật kỹ lưỡng, thì khách hàng mới không rời đi ngay. Có như thế, họ mới hiểu hơn về bạn, mới biết là bạn có phù hợp với họ hay không. Để rồi từ đó, họ mới quyết định trở thành độc giả trung thành (nếu bạn là blogger) hoặc khách hàng thực sự (nếu bạn là công ty, doanh nghiệp).
Tóm lại, bạn cần trang giới thiệu để CÓ chỗ đứng trên thị trường.
Cách viết trang giới thiệu hay
Thực ra, chẳng có cách chính xác để viết nên một trang giới thiệu hay, độc đáo, hấp dẫn. Bài viết giới thiệu có hay không còn tùy thuộc vào góc nhìn, và có “hấp dẫn” hay không cũng tùy gu người dùng, khách hàng, đối tượng,…
Nhưng không sao!
Tuy không có công thức nhưng MONA có 3 lời khuyên thiết thực dành cho bạn. Thậm chí là: nếu bạn không thể xuất sắc làm theo những lời khuyên, thì vẫn còn danh sách 8 điều bạn có thể bổ sung để tối ưu cho trang giới thiệu.
Và 3 lời khuyên để viết trang giới thiệu hay
1. Tránh các lỗi thường gặp trong tiếng Việt
Đây là điều rất quan trọng nhưng nhiều người lại bỏ qua. Bạn hãy đọc thử đoạn trích từ một bài giới thiệu sau đây để cảm nhận:
“A là trung tâm ngoại ngữ được thành lập vào năm 2012. A luôn được khách hàng đánh giá là một trong những trung tâm ngoại ngữ có chất lượng đào tạo cao tại Việt Nam suốt nhiều năm liền. Cho đến nay, A vẫn không ngừng tiếp tục duy trì các giá trị đó và cố gắng giữ gìn sự hài lòng của khách hàng thông qua chất lượng đào tạo và các dịch vụ khách hàng mà A cung cấp.”
Bạn cảm thấy gì? Bạn có thấy câu cú lủng củng không? Bởi vì đoạn trên mắc các lỗi thường gặp trong tiếng Việt như lặp từ, thừa từ, dùng sai từ và lỗi sai về phong cách.
Nếu đoạn trên được viết lại như thế này, bạn sẽ thấy dễ đọc hơn:
“Kể từ lúc thành lập vào năm 2012, A luôn được khách hàng đánh giá là một trong những trung tâm ngoại ngữ chất lượng cao tại Việt Nam. Hiện tại, A vẫn tiếp tục duy trì chất lượng dịch vụ và đào tạo tốt để gìn giữ sự hài lòng của khách hàng.”
Đoạn viết lại đã được lược bớt các từ lặp, khiến câu văn trôi chảy hơn. Ngoài ra, từ “giá trị” được thêm vào ở câu 2 đã bị loại đi do không hề nhắc đến ở câu 1. Đây là lỗi dùng sai từ, do hiểu việc đánh giá cao của khách hàng là giá trị. Ngoài ra, “không ngừng” và “tiếp tục” là như nhau. Đây là lỗi thừa từ.
Qua ví dụ trên, có thể thấy việc viết một đoạn văn mạch lạc là cần thiết. Nó không chỉ giúp nội dung của bạn dễ đọc hơn, mà còn giúp thông điệp bạn muốn truyền tải rõ ràng hơn. Do vậy, trước khi viết hay, hãy viết đúng.
-> Tham khảo thêm bí quyết quản lý và vận hành trung tâm ngoại ngữ:
- Hướng dẫn cách quản lý, vận hành – điều hành trung tâm ngoại ngữ
- Cần chuẩn bị những gì để khởi nghiệp trung tâm ngoại ngữ
2. Vận dụng sức mạnh ngôn từ
“Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Nếu bạn hiểu câu thành ngữ trên thì bạn cũng rõ từ ngữ có sức mạnh như thế nào. Dù trong giao tiếp hàng ngày, hay trên văn bản, việc sử dụng đúng từ, đúng thời điểm sẽ đem lại kết quả đáng mong chờ.
Do vậy khi viết, bạn nên:
A – Đặt câu và dùng từ phù hợp
Khi viết trang giới thiệu, bạn cần sử dụng câu/từ phù hợp với lĩnh vực bạn đang làm, với mục tiêu hoặc phong cách của công ty, với tư duy của khách hàng tiềm năng hay đối tượng độc giả.
Ví dụ thế này:
Nếu là blogger, bạn có thể dùng giọng văn thân thiện, vui vẻ hay pha chút dí dỏm, hài hước – tùy tính cách của bạn. Còn nếu là doanh nghiệp, bạn nên sử dụng câu văn lịch sự, nghiêm túc để thể hiện tính chuyên nghiệp của mình.
Nhưng không phải doanh nghiệp hay cá nhân nào cũng như nhau. Việc viết như thế nào chủ yếu là tùy đối tượng mà bạn nhắm đến. Nếu hướng đến giới trẻ thì bạn nên giới thiệu vui tươi, còn nếu hướng đến các cặp đôi thì nên có những dòng văn lãng mạn. Nếu đối tượng là game thủ thì bạn ưu tiên các từ họ hay dùng như “chiến”, “cày”, “feed”, “gank”. Còn nếu đối tượng là dân phượt thì bạn không nên bỏ qua những từ như “xế”, “ôm”, “chốt đoàn”, “cua tay áo”.
Bằng việc chọn những từ quen thuộc trong cuộc sống của đối tượng, nội dung của bạn sẽ đến gần với họ hơn.
B – Ưu tiên những từ mang lại cảm xúc mạnh cho người đọc
Việc này thì hơi khó một chút. Về cơ bản thì bạn cần nhiều vốn từ và phải am hiểu đối tượng. Những đối tượng khác nhau sẽ bị thu hút, ấn tượng với những từ khác nhau.
Lấy lại 2 ví dụ ở trên là game thủ và dân phượt:
Đối với game thủ, họ sẽ hứng thú với những từ như “thắng”, “phá đảo”, “mạnh”. Nên giả sử bạn kinh doanh gaming gear thì có thể dùng từ “cấu hình mạnh” thay cho “cấu hình cao”, thậm chí “cấu hình khủng” vì nó mang sắc thái mạnh hơn cả 2 từ còn lại.
Còn đối với dân phượt: họ sẽ thích được “trải nghiệm”, “thử thách”, “khám phá”, “tự do” hơn là “nghỉ ngơi”, “thư giãn” của những người du lịch bình thường. Họ cũng sẽ ưu tiên nơi ngủ “tiết kiệm” hơn là “tiện nghi”, món ăn “ngon bổ rẻ” hơn là “sang chảnh”, “thượng hạng”.
Như vậy, thực chất là bạn không cần vắt óc viết toàn những câu văn hoa mỹ. Bạn chỉ cần hiểu khách hàng, khéo léo chọn từ “hợp tâm trạng” của họ là bạn đã thành công phần nào.
-> Xem thêm:
- Mẫu thiết kế website tin tức game chuẩn SEO chuyên nghiệp
- Các dự án website, phần mềm trong lĩnh vực game
3. Mô tả rõ ràng, cụ thể
Không ai muốn đọc một bài giới thiệu hời hợt. Bởi vì ai cũng muốn có nhiều thông tin để đánh giá về website.
Với một trang giới thiệu cụ thể, bạn sẽ dễ có được lòng tin của người đọc. Chẳng hạn, bạn sẽ tin một doanh nghiệp có “7 năm kinh nghiệm” hơn là “nhiều năm kinh nghiệm”; hay một cá nhân “từng làm việc cho Google, Apple” hơn là “từng làm cho các tập đoàn lớn”.
Ngoài ra, nhiều khách hàng có thể không hiểu rõ lĩnh vực bạn đang làm. Việc mô tả chi tiết sẽ có ích hơn cho họ.
Ví dụ thế này, thay viết:
“Chúng tôi là A […]. Chúng tôi cung cấp dịch vụ SEO chuyên nghiệp và uy tín với hơn 20 nhân viên là chuyên gia trong lĩnh vực”.
Bạn có thể viết:
“Chúng tôi là A […]. Chúng tôi cung cấp dịch vụ SEO chuyên nghiệp và uy tín, giúp website của bạn chuẩn SEO, nhanh chóng lên top công cụ tìm kiếm như Google, tăng cơ hội khách hàng tiềm năng tìm đến bạn, nâng cao lợi thế cạnh tranh so với đối thủ chung ngành. Với hơn 20 nhân viên là chuyên gia trong lĩnh vực, […]”.
Như bạn thấy, đoạn 2 đã nói rõ hơn về SEO cũng như những gì bạn có thể đem lại cho khách hàng. Bạn cũng có thể liệt kê các dịch vụ SEO nhỏ nhỏ như SEO từ khóa, SEO website, v.v., hay chèn link về một bài giải thích SEO là gì cho khách hàng tìm hiểu.
Và trên đây chỉ là một ví dụ. Tùy vào phong cách doanh nghiệp, thông điệp muốn truyền tải, từ khóa muốn tập trung, bạn có thể sáng tạo nên lời giới thiệu trang web hay hơn, thú vị hơn, hấp dẫn hơn để khách hàng hứng thú hơn với dịch vụ của bạn.
Những thứ nên có ở một trang giới thiệu
Ở phần trên, MONA đã gửi đến bạn 3 lời khuyên hữu ích khi viết trang giới thiệu. Trong phần này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn danh sách 8 thứ bạn nên đề cập đến trong một trang giới thiệu, để nó trở nên độc đáo đơn, thu hút hơn, và thậm chí để tăng tỷ lệ chuyển đổi và giảm tỷ lệ thoát trang cho website của mình.
1. Lợi ích
Khi một người xem một trang giới thiệu, ngoài việc để biết bạn là ai, làm gì, ở đâu thì họ đang rất muốn biết bạn sẽ đem lại giải pháp gì, lợi ích gì. Do vậy, bạn phải cho độc giả thấy dịch vụ, sản phẩm mà bạn cung cấp mang đến lợi ích nào cho họ.
Bạn có thể chia các lợi ích thành từng phần rồi viết chi tiết về từng lợi ích, hoặc tách ra thành một bản liệt kê rõ ràng hay khéo léo nhắc đi nhắc lại xuyên suốt một trang. Ví như trang giới thiệu của Highlands Coffee® dưới đây, họ đã cân nhắc đem các lợi ích hiện ở 2 đoạn khác nhau với 2 tiêu đề phù hợp:
Ở đoạn 1, lợi ích là khách hàng được thưởng thức “cà phê thơm ngon, sánh đượm”, được hưởng “không gian thoải mái và lịch sự”, được áp dụng “mức giá hợp lý”. Còn ở đoạn 2, lợi ích là “những trải nghiệm đáng nhớ” mỗi lần bạn đến Highlands Coffee®. Các lợi ích đó đã được lồng ghép vào câu một cách tự nhiên, đủ để quảng bá thương hiệu mà không gây khó chịu cho người đọc.
Về mặt hiển thị, bạn có thể làm nổi bật chúng bằng cách lựa chọn font chữ thích hợp, in đậm, in nghiêng, tô màu, tô sáng, đóng khung,… tùy vào sở thích miễn sao hợp với tổng thể trang là được.
2. Sự khác biệt
Sự thực là có rất nhiều website cùng lĩnh vực của bạn đang tồn tại ngoài kia. Chính vì vậy, bạn cần đề cập đến sự khác biệt của mình để cho khách hàng có thông tin mà so sánh.
Nhưng nếu những gì bạn cung cấp không quá khác biệt thì sao?
Vẫn không sao. Vì sự khác biệt không nhất thiết phải là mức độ chất lượng của sản phẩm, dịch vụ.
Vậy sự khác biệt đó là gì?
Đó có thể là dịch vụ hậu mãi tốt hơn nhiều đối thủ, hoặc quy trình làm việc nhanh so với mặt bằng chung, hoặc giá cả hợp lý nhất thị trường, hoặc đơn giản là sản phẩm của bạn dễ tìm mua ở mọi cửa hàng trong nước.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng nếu không tìm thấy sự khác biệt. Đó không phải là thứ duy nhất mà khách hàng quan tâm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mua hàng: từ những thứ như giá cả, vị trí địa lý đến những thứ mơ hồ như “vì anh A, chị B giới thiệu”, hay “vì câu chuyện truyền cảm hứng của công ty C”.
Có thể thấy, thay vì cứ chăm chăm tạo ra sự khác biệt để thể hiện, bạn có thể chú trọng đến việc quảng bá, tuyên truyền. Ngoài ra, sự phù hợp với người tiêu dùng cũng rất quan trọng. Bạn có thể tập trung vào một thị trường ngách và tìm cách dẫn đầu ở đó.
3. Hình ảnh, video
Sẽ thật nhàm chán nếu chỉ xem một trang giới thiệu toàn là chữ. Nội dung trên đó không phải là bài hướng dẫn có ích, bài nghiên cứu, luận văn hay tác phẩm văn học để người ta bỏ thời gian cho. Vậy nên, hình ảnh và video là vô cùng cần thiết nếu bạn muốn giữ chân khách hàng.
Lại nói: “một bức ảnh đáng giá 1000 từ”. Thay vì viết 1000 từ để giải thích công ty bạn tận tâm như thế nào, bạn chỉ cần đăng hình các nhân viên đang miệt mài lao động là được. Bằng cách này, bạn vừa tiết kiệm thời gian đọc của khách, vừa đỡ hao chất xám đầu tư cho một đoạn văn. Tất nhiên, bạn đừng quên mô tả ngắn gọn mỗi bức ảnh thêm vào. Vì không phải ai cũng hiểu ý bạn muốn đem lại.
Còn về video, sẽ thật xuất sắc nếu bạn có thể cho khách hàng một video ấn tượng. Loại phương tiện này đã và đang lên ngôi trong xu hướng marketing gần đây. Nếu bạn có thể quay hay dựng một video khái quát về công ty cho người xem thì thật tuyệt vời.
Kết hợp giữa nghe và nhìn, video có thể mang đến trải nghiệm sống động cho người xem, giúp họ dễ hứng thú hơn với công ty, và càng tin tưởng hơn nếu đó là cảnh thật, việc thật, thay vì các animation.
4. Số liệu, đánh giá
Trưng ra những con số biết nói là cách tốt nhất để khiến khách hàng tin tưởng.
Vì vậy, bạn đừng ngần ngại nêu ra số dự án đã hoàn thành, số khách hàng đã sử dụng, số năm hoạt động của công ty, số điểm mà khách hàng đánh giá hay số thành viên, sự kiện, bài viết, phần mềm, v.v.
Ngoài ra, bạn cũng nên đăng lời nhận xét của khách hàng, thành viên, đối tác. Rất nhiều công ty đã áp dụng cách này để xây dựng lòng tin. Nhiều nơi còn thêm cả thông tin chi tiết của khách hàng như Facebook hay website để tăng tính xác thực.
Tuy vậy, bạn lưu ý là chỉ nên dùng con số thật, lời nhận xét thật. Tất cả chúng hoạt động như bằng chứng, giấy khen hay giấy chứng nhận cho chất lượng dịch vụ của bạn. Bạn cũng sẽ không muốn bị “bóc phốt” nếu có ai phát hiện ra bạn làm giả. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng nặng đến uy tín của bạn sau này.
-> Xem thêm:
- Nhúng fanpage vào website, chèn fanpage vào website
- 10 mạng xã hội bạn nên tham gia và 100+ những điều bạn nên biết
5. Kêu gọi hành động
Bất kể khung liên hệ, đường dẫn đến bài viết hay, hay các nút kêu gọi hành động khác, bạn hãy khéo léo đặt chúng vào trang giới thiệu. Vì sau cùng, mong muốn của bạn là sở hữu khách hàng thực sự. Và những câu, từ hay nút kêu gọi hành động chính là bước đệm cho việc đó.
Tuy nhiên, bạn không nên chèn quá nhiều các biện pháp kêu gọi cho những hành động khác nhau. Nếu bạn muốn người ta mua hàng ngay, thì hãy dẫn đến trang sản phẩm. Tương tự, nếu bạn muốn người ta nhận mail, thì chỉ chèn mỗi mẫu đăng ký. Bạn tuyệt đối đừng mong người ta vừa đăng ký, vừa mua hàng, vừa đọc bài viết, vừa để lại thông tin. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: càng nhiều lựa chọn thì tỉ lệ chuyển đổi càng thấp.
Nói cách khác, nếu bạn muốn khách hàng hành động, bạn chỉ nên chọn 1 hành động phù hợp để đưa họ vào. Kế đó, hãy làm nó thật đơn giản, tiện gọn.
6. Câu chuyện
Mỗi một website giới thiệu đều có câu chuyện của riêng mình. Sau tất cả, mọi cá nhân hay doanh nghiệp đều đã trải qua nhiều thứ mới đến được vị trí hiện tại. Vì vậy, hãy kể cho độc giả nghe câu chuyện của bạn. Bạn có thể nói đến nguyên nhân hình thành, sự ra đời cũng như quá trình phát triển của công ty để người đọc hiểu hơn.
Về cách trình bày, bạn có thể kể bằng văn xuôi, chèn chữ qua những bức ảnh, thể hiện dưới dạng video, hoặc tạo hẳn một dòng thời gian sống động. Bạn cứ thành thật kể câu chuyện của mình, cả những thành công hay thất bại. Bởi trong thời đại mà thật giả lẫn lộn như ngày nay, tính minh bạch thực sự quý giá. Có nó, mọi người sẽ tin tưởng bạn.
Trên thực tế thì không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn đội ngũ Content Marketing riêng để thực hiện các chiến dịch tiếp thị nội dung khi cần.
Phần lớn các doanh nghiệp đều chọn sử dụng dịch vụ Content Marketing thuê ngoài để:
- Tối ưu chi phí.
- Giản lược nhân sự cũng như công sức, thời gian đào tạo.
- Có đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm giúp tạo ra sản phẩm nội dung chất lượng.
MONA Media là đơn vị hàng đầu trên thị trường hiện nay cung cấp giải pháp Dịch vụ Marketing Online tổng thể cho các doanh nghiệp, bao gồm:
- Marketing Local
- SEO Thương Hiệu
- SEO Tổng thể
- Marketing tổng thể
- Content Marketing
- PR – báo chí
- Conversion rate Optimize
- Facebook Ads
- Google Ads
- Đào tạo đội ngũ Marketing InHouse
- Tư vấn – Mentor Marketing Online
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong thị trường SEO và Marketing, đồng hành cùng hơn 12.000 khách hàng trong và ngoài nước trong hàng ngàn dự án thành công ở đa dạng lĩnh vực, đội ngũ chuyên gia của MONA tự tin có thể đem tới cho bạn hiệu quả truyền thông và vị thế tốt nhất trên thị trường số hiện nay. Hãy LIÊN HỆ NGAY với MONA qua hotline 1900 636 648 để được chi tiết nhất nhé!
7. Quy trình làm việc/sản xuất
Nếu có thể, bạn hãy cho khách hàng thấy quy trình làm việc hoặc sản xuất của mình. Đây là một trong những cách thể hiện sự minh bạch của doanh nghiệp, cá nhân.
Giả sử bạn là công ty sản xuất và kinh doanh trà (chè), bạn có thể mô tả quy trình chế biến nên những lá trà hảo hạng: từ khâu hái trà, vò trà đến lúc sấy trà, phân loại, đóng gói. Còn ở MONA Media, chúng tôi giải thích quy trình triển khai dự án cho khách hàng trên trang giới thiệu.
Bằng cách này, khách hàng có thể hiểu rõ hơn về cách làm việc của bạn. Đây cũng là cơ hội để bạn thể hiện cho khách thấy doanh nghiệp bạn làm việc rõ ràng ra sao, chuyên nghiệp như thế nào.
8. Nhân viên
Ai cũng sẽ thấy tin tưởng hơn nếu biết gương mặt những người đằng sau website mà họ đang tìm hiểu. Do vậy, nếu là doanh nghiệp, bạn càng nên trưng ảnh và giới thiệu về các nhân viên để khách hàng yên tâm “chọn mặt gửi vàng”.
Tất nhiên là bạn nên chọn những tấm hình nghiêm túc, rõ ràng, có vui tươi thì cũng nên vừa phải. Đừng lấy những bức ảnh selfie nhí nhố, nhồi nhét filter vì chúng sẽ làm bạn kém chuyên nghiệp, không đáng tin.
-> Tham khảo ngay: Tổng hợp các mẫu website giới thiệu đa ngành nghề
Một vài lưu ý khi viết trang giới thiệu doanh nghiệp
Cho thấy bạn đáng tin, bạn thấu hiểu
Viết giới thiệu thực chất cũng là làm quảng cáo. Tuy vậy, bạn không nên quảng cáo lộ liễu mà phải viết thật chân thành, không nói quá. Bạn cần tránh “mèo khen mèo dài đuôi”.
Lời giới thiệu nên là thông tin chính xác, rõ ràng, đúng thông tin trọng tâm để khách hàng cần biết về thương hiệu. Vì thế những từ như “tốt nhất”, “rẻ nhất”, hay “xịn nhất” là tuyệt đối không được đem vào. Nếu bạn vẫn muốn các từ đó xuất hiện thì phải thể hiện khiêm tốn hơn, bằng cách sử dụng các từ hay cụm từ như “một trong những”, “một trong các”, “có thể”, “trong khả năng”, “trong điều kiện thuận lợi”, v.v.
Ví dụ: “một trong những công ty (gì đó) được bình chọn là tốt nhất Việt Nam”, “bảo mật nhất có thể”, v.v.
Làm như vậy, người đọc mới không thấy phản cảm và tin tưởng bạn hơn. Tất nhiên, bạn cần tùy đối tượng mà viết, như đã nói ở phần lời khuyên. Chỉ cần đặt mình vào vị trí của khách hàng, lấy họ làm trọng tâm, bạn sẽ có thể viết được trang giới thiệu đi vào lòng người.
Cập nhật khi có thay đổi
Một trang giới thiệu được viết chỉn chu có tác dụng rất lớn trong việc xây dựng niềm tin cho khách hàng. Thế nhưng, nếu nó không được chăm sóc thường xuyên thì vẫn có thể phá hủy lòng tin của khách hàng.
Do vậy, nếu bạn có thay đổi nhân sự, nâng cao chất lượng sản phẩm, hay cải tiến quy trình làm việc, hãy cập nhật ngay ở trang giới thiệu. Nếu bạn phát hiện lỗi như lỗi chính tả, lỗi thiết kế, v.v. hãy sửa lại. Nếu bạn thấy việc bổ sung video hay mẫu liên hệ sẽ tăng tỉ lệ chuyển đổi, hãy thử thêm vào.
Mọi thứ đều trải qua kiểm nghiệm. Bạn nên thử đổi mới và cải thiện trang giới thiệu để nó đem lại kết quả tốt hơn.
Không quên tối ưu cho các công cụ tìm kiếm (SEO)
Một trang giới thiệu được SEO tốt sẽ mang đến tỷ lệ chuyển đổi cao hơn cho bạn. Chắc hẳn bạn sẽ không muốn bỏ lỡ số người dùng truy cập đến trang giới thiệu thông qua các công cụ tìm kiếm như Google.
Trang giới thiệu không nên chỉ tập trung vào một từ khóa nhất định. Có nhiều từ khóa bạn cần tối ưu như: tên thương hiệu, tên sản phẩm, tên dịch vụ và các từ khóa quan trọng trong lĩnh vực đang làm. Việc tối ưu cho nhiều từ khóa khác nhau sẽ giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng thương hiệu.
Và để gợi ý cho bạn, thì cách đơn giản nhất để tối ưu cho một từ khóa nào đó là viết một tiêu đề có chứa nó.
Ví dụ: thay vì chỉ ghi “về A”, “về chúng tôi”, hay “giới thiệu”, bạn có thể ghi “A là công ty [từ khóa]” hoặc “về tôi: một [từ khóa] có hơn 10 năm trong ngành”.
Tất nhiên, viết như thế nào là tùy bạn. Tiêu đề cần thu hút để kích thích trí tò mò của người đọc, nhưng nội dung vẫn là phần quan trọng nhất. Vì vậy, bạn nên nhắc đến các từ khóa vừa phải – xuyên suốt bài giới thiệu – để có hiệu quả SEO cao.
-> Xem thêm ngay: Mật độ từ khóa tốt đối với SEO website là bao nhiêu?
Để phần quan trọng nhất ở trên đầu
Có nhiều thống kê chỉ ra rằng: người dùng dành nhiều thời gian cho phần trên của website hơn phần dưới. Rất ít ai kéo hết một trang để xem website đó nói về cái gì. Tất nhiên, trừ khi nội dung cũng như cách chuyển tải của website đó thực sự thú vị.
Do vậy, tạm thời không bàn đến nội dung bạn viết có tốt hay không. Trước hết, bạn nên dành phần quan trọng nhất của bài ở phần đầu trang. Đó cũng là lý do mà bạn thấy nhiều trang giới thiệu được viết “A là […]” trước tiên. Bởi vì thứ nhất, đó là thông tin quan trọng nhất; thứ hai, đó là điều người đọc muốn biết đầu tiên.
Tuy nhiên, bạn không cần rập khuôn làm theo cách đó. Bạn không cần phải để tiêu đề hay lời giới thiệu trước tiên. Nếu bạn có một bức ảnh vừa khơi dậy cảm xúc mãnh liệt trong lòng người xem, vừa khái quát được bản thân bạn hay công ty bạn, thì hãy đem nó lên đầu trang. Tương tự, nếu bạn có một video được đầu tư kĩ lưỡng, hãy đem nó lên đầu.
Thay cho lời kết chung chung, MONA xin gửi bạn một ví dụ cuối cùng. Đây là ví dụ về 1 trang giới thiệu hay, độc đáo và hấp dẫn thực sự. Và đó không ai khác chính là gã khổng lồ siêu sáng tạo Google.
Bạn có thấy rằng, Google đã tinh tế nói lên điều họ làm (organize – sắp xếp), cái mà họ cung cấp (information – thông tin), giá trị của sản phẩm (useful – hữu ích), và lợi ích họ đem lại (universally accessible – dễ dàng tiếp cận cho mọi người) – chỉ gói gọn trong 1 câu.
Mà đó chỉ mới là về mặt từ ngữ.
Về mặt hiển thị, Google đã rất khéo léo sử dụng các màu trong logo để vừa nêu bật các ý đã kể trên, vừa tăng sự nhận diện thương hiệu. Ngoài ra, họ cũng sử dụng chính font độc quyền: Product Sans – 1 sản phẩm để xây dựng thương hiệu – của mình.
Chỉ nhiêu đó thôi bạn cũng có thể thấy: Google đã đem cái mà mọi người quan tâm nhất – cái điều quan trọng nhất – thể hiện bằng cách sáng tạo mà vẫn phù hợp nhất, lên trên đầu. Có như thế thì dù không kéo xuống, khách hàng cũng biết Google là ai, làm gì, như thế nào, đem lại giải pháp gì cho họ.
Chú ý đến cách trình bày, thiết kế
Một trang giới thiệu hoàn hảo không chỉ có nội dung hay mà trình bày cũng phải đẹp. Chẳng ai muốn xem một “bức thư” dài 2000-3000 từ, hay một “thư viện ảnh” mà không hiểu chúng ám chỉ gì.
Do vậy, bạn cần kết hợp hài hòa và hợp lý các loại nội dung lại với nhau. Những chi tiết nhỏ như: video nên đặt bên phải hay bên trái, thu nhỏ ở giữa hay đặt tràn màn hình, bạn cũng phải cân nhắc làm sao cho phù hợp với tính chất thương hiệu và thiết kế của website.
Đến cả việc dùng màu sắc cũng vậy. Có thể màu đỏ rất nổi bật, và bạn muốn tô đỏ những thứ quan trọng để thu hút khách hàng. Thế nhưng, website của bạn hướng đến sự tối giản với gam màu chủ đạo trắng đen thì bạn vẫn không nên dùng. Thay vì vậy, bạn có thể dùng màu xám với độ đậm nhạt khác nhau, hay phóng to, in đậm câu, từ bạn muốn với 2 màu chủ đạo đó.
Có rất nhiều cách để làm, bạn không nhất thiết phải dùng những màu được cho là có giá trị kích cầu cụ thể. Càng lạm dụng, bạn sẽ càng làm rối tổng thể thiết kế của website cũng như rối mắt người dùng.
-> Tham khảo:
Trên đây là hướng dẫn cách viết giới thiệu website cùng những lưu ý chi tiết mà bạn cần tuân thủ hoặc tránh. Hy vọng những chia sẻ tận tâm của MONA đã giúp bạn nắm được bí quyết viết bài giới thiệu cho công ty, doanh nghiệp chuẩn hay, độc và thu hút nhé! Chúc bạn viết được trang giới thiệu website thành công.
Bài viết liên quan
Dịch vụ thiết kế
website chuyên nghiệp
Sở hữu website với giao diện đẹp, độc quyền 100%, bảo hành trọn đời với khả năng
mở rộng tính năng linh hoạt theo sự phát triển doanh nghiệp ngay hôm nay!