Kiến Thức Website

18 Tháng Ba, 2023

Top 10 công cụ phân tích website – đánh giá website

Xây dựng website là bước đầu tiên để doanh nghiệp bước chân vào thế giới internet. Nhưng chỉ như vậy thì chưa đủ. Để có chỗ đứng trên thị trường, cạnh tranh với các đối thủ, tối đa hóa doanh thu… doanh nghiệp cần phải liên tục theo dõi và chăm sóc website để đưa ra những giải pháp phát triển website hiệu quả.

Bất kể website bạn thuộc lĩnh vực nào, có chiến lược phát triển ra sao, bạn đều cần nắm được cái gì có hiệu quả, cái gì không cũng như cái gì có thể cải thiện. Việc dùng các công cụ phân tích website là cách tốt nhất giúp bạn tối đa các kết quả mong muốn.

Phân tích website là gì?

Phân tích website (Website analytics) là việc thu thập, đo lường và báo cáo các hoạt động, dữ liệu web để người quản trị có số liệu nhằm phân tích, đánh giá và tối ưu hóa độ hiệu quả của website.

công cụ phân tích nghiên cứu website

Cụ thể, nó giúp bạn tìm ra các thông số/thông tin quan trọng như: lưu lượng truy cập tổng hoặc từng trang, vị trí khách truy cập, hoạt động hay thời gian của họ ở trên trang, nội dung mà họ thích, và hơn thế nữa.

Qua đó, bạn sẽ biết được chính xác khách hàng/độc giả quan tâm đến điều gì, đối tượng tiềm năng của bạn tập trung ở đâu, nội dung nào đem đến tỷ lệ chuyển đổi tốt… Để rồi từ đó, bạn có thể đề ra chiến lược marketing thích hợp cũng như các giải pháp đúng đắn để website ngày càng hấp dẫn, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng/người sử dụng.

Top 10 công cụ phân tích website tốt nhất

Hiện nay, trên thị thường có rất nhiều công cụ phân tích, đánh giá website. Mỗi một loại có những nhóm tính năng nhất định cũng như điểm nổi bật riêng. Dưới dây là 11 công cụ phân tích website tốt nhất theo từng mục đích sử dụng, phù hợp với những đối tượng khác nhau.

1. Google Analytics – miễn phí và phù hợp mọi nhu cầu

Google Analytics là công cụ phân tích website được phát triển bởi Google. Dù ở bản miễn phí, nó cũng cung cấp rất nhiều tính năng cần thiết mà các đối thủ bắt người dùng phải trả phí. Chính điều này khiến cho nó trở thành công cụ phân tích website được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới.

Bên cạnh việc hiển thị những thứ quan trọng như lưu lượng truy cập, tỷ lệ thoát trang, thời gian lưu trang, các thông tin hữu ích về khách truy cập… Google Analytics còn tích hợp với các dịch vụ hay ho khác của Google như Google Adwords, Google AdSense, công cụ A/B testing Google Optimize. Nó cũng cho phép bạn tích hợp các phần mềm bên thứ ba để hỗ trợ phân tích website hiệu quả.

google analytics

Nhìn chung, đây là công cụ tốt nhất dành cho các cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi lẽ, nó phù hợp cho hầu hết các loại website, có giao diện thân thiện, hỗ trợ tiếng Việt hoàn chỉnh, được tích hợp vào nhiều nền tảng web khác nhau và quan trọng nhất là: phổ biến.

Khi một cái gì đó phổ biến cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể dễ dàng kiếm được các nội dung liên quan trên internet. Điều này rất quan trọng. Vì chỉ có công cụ thôi chưa đủ, bạn cần biết cách sử dụng chúng hiệu quả thì mới có khả năng đem lại kết quả tích cực cho dự án của mình.

Xem thêm: Google Analytics là gì? Cách sử dụng Google Analytics cho người mới bắt đầu

2. Clicky – thay thế tốt cho Google Analytics với mức giá rẻ hơn

Clicky là công cụ phân tích website được sánh ngang với Google Analytics ở phiên bản miễn phí. Ở bản trả phí, 2 dịch vụ này cung cấp một số tính năng khác nhau nhưng nhìn chung, Clicky có mức giá rẻ hơn.

Clicky thường được người dùng lựa chọn vì sự cài đặt dễ dàng do cung cấp nhiều plugin cho nhiều CMS khác nhau như WordPress, Drupal, Joomla…

Một vài tính năng nổi bật của Clicky ở phiên bản trả phí là: bản đồ nhiệt cơ bản, phân tích video và đặc biệt là “spy” – giám sát hành động của khách truy cập theo thời gian thực. Với “spy”, bạn có thể nắm được dữ liệu thiết thực về cách mà mọi người điều hướng trên website của bạn. Từ đó, bạn sẽ hiểu rõ hành vi của người dùng hơn cũng như đề ra giải pháp cải thiện thiết kế, nội dung nhằm gia tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Đánh giá một cách khách quan thì giao diện của Clicky khá lỗi thời. Nhưng bù lại, nó có nhiều tính năng thú vị đi kèm với mức giá phải chăng. Vì vậy mà sau nhiều năm, nó vẫn là một trong sự thay thế tốt của Google Analytics dành cho người dùng cá nhân hay các doanh nghiệp nhỏ.

3. Semrush – Hỗ trợ marketing từ A tới Z

Với tổng cộng hơn 40 công cụ, Semrush là một giải pháp toàn diện cho mọi doanh nghiệp hay cá nhân muốn phát triển website chuyên nghiệp, đặc biệt là về mảng marketing.

phân tích website bằng semrush

Từ tiếp thị nội dung, nghiên cứu thị trường, quảng bá trên mạng xã hội cho đến những thứ liên quan đến quảng cáo, Semrush đều có những công cụ phân tích, đánh giá cũng như hỗ trợ chuyên sâu. Trong đó, SEO là tính năng nổi bật nhất, được biết đến nhiều nhất bởi người dùng trên toàn thế giới.

Để hỗ trợ bạn trong việc SEO, Semrush cung cấp các tính năng cực kỳ hữu ích như: nghiên cứu từ khóa, quản lý backlink, theo dõi thứ hạng, kiểm tra SEO on-page và nhất là phân tích website đối thủ.

Bạn có thể đo lượt truy cập, nghiên cứu thứ hạng, tìm kiếm khoảng trống giữa các từ khóa hay backlink và phân tích được cả backlink của đối thủ. Dựa vào đó, bạn có thể xem xét chiến thuật marketing của đối thủ để đề ra chiến lược hợp lý, giúp bạn giành thứ hạng cao hơn trên các công cụ tìm kiếm.

Ngoài ra, Semrush cũng có hẳn những công cụ cho việc tối ưu local SEO (SEO theo địa phương) – một hình thức SEO vô cùng có ích cho những website du lịch hay website nhà hàng – khách sạn.

Cung cấp 3 gói dịch vụ, phục vụ cho nhiều mục đích tiếp thị, cho các loại đối tượng khác nhau từ freelancer, blogger đến các dự án E-commerce hay các doanh nghiệp lớn, Semrush xứng đáng là nền tảng hỗ trợ marketing được nhiều người lựa chọn nhất hiện nay.

4. Ahrefs – tập trung vào SEO

Ahrefs là công cụ phân tích website tuyệt vời để SEO hiệu quả. Không một ai làm trong dịch vụ SEO chuyên nghiệp mà không biết đến Ahrefs. Nếu Semrush mạnh về marketing nói chung và khả năng theo dõi đối thủ nói riêng thì Ahrefs được biết đến nhiều nhất qua khả năng phân tích backlink tuyệt vời.

Để so sánh với Semrush nêu trên, Ahrefs đã tự liệt kê 8 tính năng mà chỉ họ mới có như:

  • Lấy số liệu độc nhất cho các từ khóa.
  • Tìm khả năng đặt backlink trên những trang có nhiều lượt truy cập.
  • Nghiên cứu nội dung và tìm những liên kết triển vọng với Content Explorer.
  • So sánh thứ hạng hiện tại và trước đây của website.
  • Phân tích và giám sát các liên kết ngoài (external link/outbound link) trên website của bạn.
  • Xem xét lưu lượng truy cập theo trang cụ thể.
  • Kiểm tra lịch sử thứ hạng của website cho bất cứ từ khóa nào.
  • Nghiên cứu và tự động hóa các liên kết nội bộ.

Có thể thấy, Ahrefs là bộ công cụ giúp người dùng có thể khai thác hết mọi khía cạnh trong SEO để tối ưu cho website của mình. Vì vậy, chi phí để sử dụng đầy đủ tính năng hay ho của Ahrefs là không hề rẻ. Nhưng nếu bạn nghiêm túc đầu tư vào SEO, Ahrefs sẽ sẽ không làm bạn thất vọng dưới vai trò là một trợ thủ đắc lực cho mọi dự án SEO.

5. Hotjar – kết hợp giữa theo dõi hành vi và lấy phản hồi

Hotjar được biết đến nhiều nhất thông qua khả năng theo dõi hành vi khách hàng nhờ vào bản đồ nhiệt, bản ghi thao tác của người dùng kết hợp với bộ tính năng phản hồi hữu ích.

hotjar

Trong đó, tính năng phản hồi chính là điểm đặc biệt của Hotjar. Với chúng, bạn có thể hỏi khách truy cập lý do cho việc không tạo ra hành động nào đó (như là việc bấm nút mua hay đăng ký). Nếu ai đó đang điền thông tin vào một biểu mẫu mà lại ngưng, bạn có thể hỏi ngay lập tức. Trường hợp họ chuẩn bị rời trang, bạn cũng có thể hỏi nguyên do. Các hộp thoại hỏi ý kiến như vậy sẽ tự động hiện ra dựa vào những gì Hotjar thu thập được qua việc theo dõi hành vi khách hàng.

Tất nhiên, bạn có thể cho chúng luôn hiện ở 1 vị trí nào đó hoặc tùy chọn theo những điều kiện khác nhau. Hotjar cũng cung cấp cho bạn nhiều kiểu cách hiển thị, phù hợp cho nhiều loại website với từng nhu cầu cụ thể.

Tóm lại, Hotjar là công cụ phân tích website hiệu quả cho mục đích cải thiện UX và tăng tỷ lệ chuyển đổi. Việc có thể biết rõ hành vi và dễ dàng xin ý kiến của khách hàng sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc thay đổi nội dung, thiết kế để đáp ứng sở thích của họ. Từ đó, bạn có thể cải thiện tỷ lệ chuyển đổi ở nhiều mặt, đặc biệt là tỷ lệ đặt hàng đối với các website bán hàng, kinh doanh online.

6. Crazy Egg – nghiên cứu chi tiết về hành vi người dùng

Là một trong những dịch vụ hỗ trợ A/B testing, Crazy Egg là công cụ phân tích website chuyên nghiệp và lâu đời, được nhiều người tin tưởng và sử dụng.

Tính năng nổi bật nhất của Crazy Egg là Snapshot. Snapshot là một tập hợp các loại báo cáo sau đây:

  • Heatmap Report: Hiển thị vùng được nhấp nhiều nhất trên trang.
  • Scrollmap Report: Cho biết độ dài của mỗi lần cuộn trang mà người dùng thực hiện.
  • Confetti Report: Hiển thị những lượt nhấp chuột cụ thể và có thể lọc theo nhiều điều kiện như thời gian trên trang, vị trí địa lý, hệ điều hành, khách mới hay khách cũ, khách truy cập từ Google hay Facebook…
  • Overlay Report: cho biết phần trăm tỷ lệ nhấp chuột ở mọi thành phần trên trang.
  • List Report: cung cấp cái nhìn tổng quát về các số lượt nhấp các thành phần của website.

Trong những loại trên thì Confetti chính là tính năng độc quyền của Crazy Egg. Confetti Report đem đến 22 bộ lọc khác nhau để bạn phân tích dữ liệu. Overlay Report của Crazy Egg cũng tương tự. Khi xem dữ liệu theo từng bối cảnh của các lượt nhấp, bạn sẽ có cái nhìn cụ thể hơn, rõ ràng hơn về khách hàng của mình để thay đổi website cho phù hợp sở thích khách hàng.

Nhìn chung, Crazy Egg là công cụ phân tích website thích hợp nhất cho những người làm marketing trung và cao cấp. Vì với nó, bạn có thể thấu hiểu khách hàng để cải thiện sản phẩm cũng như tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi hiệu quả nhờ tính năng A/B testing đi kèm.

7. Parse.ly – giúp làm content marketing hiệu quả

Được mua lại bởi Automatic – công ty chủ quản của CMS nổi tiếng WordPress – vào tháng 2/2021, Parse.ly là một nền tảng được thiết kế đặc biệt để đo lường hiệu suất của nội dung.

parse-ly

Các công cụ phân tích website kiểu cũ thường đánh giá độ hiệu quả của nội dung dựa trên thời gian mở trang của người dùng, chủ yếu là đo lường tỷ lệ thoát.

Parse.ly thì khác: họ sử dụng một tính năng gọi là “heartbeat” để xác định xem người dùng có thực sự đang tương tác trên trang không. Bởi lẽ, nhiều người thường mở tab và để đó chứ không xem. Tính năng “heartbeat” sẽ giúp bạn xác nhận 2 điều:

  • Tab chứa nội dung của bạn đang được mở
  • Họ thực sự đang xem trang (xác định qua sự di chuyển con trỏ chuột, cuộn trang, các lần nhấp, v.v.)

Bằng cách này, bạn sẽ thu được số liệu chính xác hơn để phân tích và phát triển nội dung đúng hướng.

Ngoài ra, Parse.ly cũng thu thập dữ liệu từ các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, hệ điều hành của khách truy cập và các nền tảng khác như Apple News, Facebook Instant Articles, Google AMP… giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về các loại nội dung để biết nên tập trung vào đâu, cải thiện cái gì.

Nếu bạn đang dùng WordPress, việc tích hợp Parse.ly chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn nữa trong việc content marketing. Vì theo như bài công bố mua lại của Automatic, họ đã có dự định làm phong phú trải nghiệm của mọi người dùng WordPress nếu sử dụng công cụ phân tích Parse.ly.

8. Mixpanel – thích hợp nhất cho web application

Mixpanel là một công cụ mạnh mẽ có thể dùng để phân tích website, đặc biệt là các ứng dụng web hay thậm chí là mobile app. Nó cho phép bạn nắm bắt dữ liệu người dùng về cách họ tương tác với sản phẩm hay website của bạn.

Thay vì thu thập dữ liệu dựa trên lượt xem trang và phiên làm việc của trình duyệt (session), Mixpanel hoạt động theo mô hình gọi là “theo dõi dựa trên sự kiện”. Sự kiện là một thời điểm mà ở đó diễn ra sự tương tác giữa người dùng và sản phẩm của bạn. Nó cũng có thể là một loạt các tương tác.

Ví dụ thế này: Khi một khách hàng mua trà sữa trên website của bạn, khi một người dùng đăng ký tài khoản mới, hay khi một người tải về một video, nghe một bản nhạc, v.v. Mỗi một hành động cụ thể mà người dùng thực thi đều được coi là một sự kiện. Các sự kiện cũng bao gồm các thuộc tính liên quan như giá tiền, loại sản phẩm, v.v.

Bên cạnh đó, Mixpanel cũng cung cấp thông tin chi tiết về từng người dùng/khách hàng cụ thể để bạn nắm rõ hành vi của đối tượng. Nó cũng hiển thị nhiều báo cáo chuyên sâu nhưng rõ ràng và trực quan để bạn dễ dàng phân tích. Từ đó, bạn sẽ có đủ dữ liệu để đưa ra các phương pháp cải thiện phù hợp nhằm tăng hiệu quả tương tác trên website/sản phẩm và thúc đẩy doanh thu.

9. Finteza – đánh giá website nâng cao, chạy chiến dịch quảng cáo hiệu quả

Finteza là một nền tảng phân tích website “tất cả trong một” có nhiều công cụ đánh giá chuyên sâu. Nó hỗ trợ lên đến hơn 50 CMS và các SDK khác nhau cho phép người quản trị dễ dàng cài đặt về sử dụng.

Finteza có 2 điểm độc đáo so với các đối thủ như sau:

  • Finteza sẽ giúp bạn biết được đâu là lượt truy cập “thực” nhờ vào khả năng nhận dạng lên đến 12 loại lưu lượng truy cập xấu như lượt truy cập từ các loại bot hay lượt truy cập từ hacker/spammers. Finteza cũng giúp bạn phát hiện đâu là lượng truy cập qua trung gian hay VPN.
  • Finteza có hệ thống quảng cáo riêng với công nghệ qua mặt được hầu hết những trình chặn quảng cáo. Nhờ vậy, quảng cáo sẽ có cơ hội thu được nhiều lượt nhấp hơn, và người bán quảng cáo cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn.
finteza

Ngoài ra, Finteza cũng cung cấp nhiều tính năng hữu ích khác như: phân tích trang, phân tích khách hàng, phễu bán hàng, đo lường hiệu suất website… Trong đó, khi phân tích khách hàng, Finteza hiển thị đến 15 loại báo cáo để giúp phân tích đối tượng từ các khía cạnh khác nhau.

Nếu bạn muốn một giải pháp “tất cả trong một”, bạn có thể sử dụng Finteza. Đây là một nền tảng thú vị giúp bạn tối ưu tỷ lệ chuyển đổi qua những bản thống kê chuyên sâu. Finteza phù hợp cho nhiều loại website khác nhau, đặc biệt là các website bán hàng online, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay những blogger muốn đặt quảng cáo trên trang để kiếm thêm thu nhập.

10. Matomo – cho những ai thích mã nguồn mở

Matomo (tên cũ Piwik) là công cụ phân tích website tốt nhất dành cho những ai xem trọng vấn đề riêng tư cũng như ưu tiên sử dụng phần mềm mã nguồn mở. Matomo cũng là một nền tảng “tất cả trong một”, hỗ trợ hơn 70 plugin giúp bạn tùy chỉnh các bản báo cáo để theo dõi, đánh giá website hiệu quả.

Tương tự như Finteza, Matomo đem đến rất nhiều tính năng hữu ích: quy trình chuyển đổi hình phễu (conversion funnel), bản đồ nhiệt, A/B testing, phân tích biểu mẫu, đánh giá video/audio, tính năng SEO, đo hiệu năng website và hơn thế nữa.

Vì Matomo là mã nguồn mở, bạn có thể hưởng được những điểm tuyệt vời nhau đây:

  • Toàn quyền quản lý dữ liệu, thông tin.
  • Thoải mái tùy biến nền tảng này phù hợp theo mọi nhu cầu.
  • Sử dụng Matomo 100% miễn phí nếu cài đặt Matomo trên máy chủ của mình. Máy chủ của bạn có thể là shared hosting, SEO hosting hay VPS.

Bạn có thể tham khảo các nhà cung cấp hosting tốt nhất tại Việt Nam để lựa chọn dịch vụ hosting phù hợp nhất cho dự án của mình.

Kết hợp các công cụ phân tích website khác nhau, tại sao không?

Qua 10 công cụ được chúng tôi chọn lọc và giới thiệu ở trên, có lẽ bạn cũng thấy mỗi công cụ đều có những thế mạnh riêng biệt. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể kết hợp 1 vài trong số chúng lại với nhau để mang lại hiệu quả cao nhất.

Ví dụ, bạn có thể dùng Google Analytics để phân tích website và Hotjar để hiểu thêm về hành vi cụ thể của người dùng; hay dùng Crazy Egg rồi kết hợp thêm Parse.ly để cải thiện hiệu quả content marketing.

Ngoài ra, Semrush và Ahrefs là 2 công cụ “rời”. Ở đa số trường hợp, bạn không cần phải cài đặt chúng vào website. Do vậy, bạn có thể sử dụng chúng song song với bất kì công cụ phân tích website nào.

Tóm lại là: tùy vào nhu cầu, mục đích, mô hình và ngân sách của mỗi doanh nghiệp, hoặc cá nhân, bạn cần xem xét rồi chọn cho mình phần mềm cũng như cách kết hợp hiệu quả nhất để sử dụng. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến, thảo luận với các chuyên gia hay công ty thiết kế website của bạn để được họ tư vấn công cụ phù hợp nhất.

Bài viết liên quan

Dịch vụ thiết kế
website chuyên nghiệp

Sở hữu website với giao diện đẹp, độc quyền 100%, bảo hành trọn đời với khả năng
mở rộng tính năng linh hoạt theo sự phát triển doanh nghiệp ngay hôm nay!

Liên hệ Mona