18 Tháng Ba, 2023
Cloud Computing là gì? Lợi và hại của Cloud Computing với người dùng Việt
Cloud computing (tiếng Việt: điện toán đám mây) là một thuật ngữ đang càng phổ biến trong giới lập trình, thiết kế và quản trị website. Trong cloud computing, còn có những thuật ngữ khác rất thường gặp chính là cloud storage (lưu trữ trên mây) hay cloud hosting (hosting website bằng máy chủ cloud).
Vậy cloud computing là gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến cách Internet hoạt động? Bài viết dưới sẽ trao đổi, giải thích các khái niệm này và những chi tiết xung quanh chúng.
Cách mà internet ngày nay đang hoạt động?
Để hiểu được cloud computing là gì và có những khác biệt gì so với cách vận hành truyền thống của Internet, đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu Internet hoạt động như thế nào.
Khi mô tả Internet, chúng ta thường dùng từ “mạng”, ám chỉ một mạng lưới các liên kết giữa nhiều điểm với nhau, mỗi điểm là một chiếc máy tính. Tuy nhiên, phần lớn Internet không hoạt động như vậy.
Các kết nối được chia làm 2 loại: kết nối ngang hàng (giữa người dùng này tới người dùng kia, tiếng Anh là: peer-to-peer) và kết nối không ngang hàng (giữa máy khách và máy chủ). Trong các mạng lưới ngang hàng, tất cả các thành viên (peer) có thẩm quyền như nhau, liên kết trực tiếp với nhau tạo thành một mạng lưới thực sự.
Tuy nhiên, đa số các dịch vụ web ngày nay không phải là các mạng lưới ngang hàng. Trên thực tế, hầu hết các kết nối trên Internet là kết nối không ngang hàng, tức là giữa máy khách (client) và máy chủ (server).
Khi truy cập một website, trình duyệt trên máy tính của bạn sẽ gửi một yêu cầu đến máy chủ website. Sau đó, máy chủ sẽ trả về một thông tin chính là giao diện trang web mà bạn muốn vào. Khi bạn chọn vào một mục menu nào đó, trình duyệt sẽ lại tiếp tục gửi yêu cầu đến máy chủ. Yêu cầu này lại tiếp tục được xử lý và thực thi bởi máy chủ, chuyển nội dung website sang chuyên mục mà bạn đã chọn.
Vậy còn Facebook, Zalo và các ứng dụng chat khác? Hai người đang trò chuyện với nhau chắc phải có kết nối trực tiếp chứ?
Thực tế là không. Khi bạn bắt đầu cuộc hội thoại với người thân, tin nhắn của bạn sẽ được gửi đến máy chủ Facebook, Zalo. Máy chủ sẽ xử lý yêu cầu này bằng cách gửi thông báo đến mục tiêu và hiện cửa sổ chat pop-up với nội dung tin nhắn của bạn. Khi người thân bạn trả lời, thông tin sẽ được gửi trả lại cho bạn từ máy chủ thông qua các bước tương tự.
Quá trình gửi và nhận thông tin giữa máy khách và máy chủ này được lặp lại liên tục và vô tận. Những kết nối này hợp lại tạo thành mạng lưới Internet mà chúng ta biết ngày nay.
Các máy chủ được đặt cạnh nhau trong một nơi rộng lớn được gọi trung tâm dữ liệu (data center) để dễ bảo quản. Người dùng Việt Nam quen gọi những trung tâm này là các phòng máy lạnh. Ở nước ta có khoảng vài ngàn “phòng máy lạnh” như vậy được vận hành bởi những nhà mạng như VNPT, Viettel, v.v…
Những website hoạt động ở thị trường trong nước, phục vụ khách truy cập Việt Nam đều muốn đặt máy chủ ở những trung tâm này. Bởi vì khoảng cách càng gần thì tốc độ kết nối sẽ nhanh hơn. Với việc mỗi một tin nhắn của bạn và bạn bè gửi cho nhau đã có đến 4 kết nối đi-về được xử lý như đã nói ở trên, thì chuyện cải thiện tốc độ sẽ giúp ích rất nhiều.
Đến đây, nhiều người khi biết rằng Internet không hoạt động đơn giản như là những kết nối ngang hàng giữa người với người, lại nảy sinh những hiểu lầm mới về Internet. Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất là giả thuyết Internet rất phức tạp, có nhiều tầng lớp hoạt động, những tầng lớp đó được gọi là deep web.
Deep web là gì? Trong thế giới ảo
Trên thực tế, đúng là có nhiều tầng lớp nhưng không phải theo ý nghĩa của cụm từ deep web và thuật ngữ này được dùng để chỉ một khái niệm khác.
Deep web, còn có tên gọi khác là dark web, được biết đến ở Việt Nam như web chìm, mạng chìm hay web ẩn. Từ tính”ẩn”, ta có thể mường tượng được ý nghĩa của deep web: các website ẩn, không thể được tìm thấy bằng những cách thông thường.
Các trang web ẩn giấu mình khỏi công cụ đánh dấu, chỉ mục (index) của Google và các công cụ tìm kiếm khác như Bing, Yahoo, Cốc Cốc. Bạn sẽ không thể tìm ra chúng bằng cách tìm kiếm từ khóa như bình thường.
Nếu bằng một cách nào đó hoặc vô tình bạn gõ đúng URL của trang web ẩn vào thanh địa chỉ, bạn cũng không thể nào truy cập được. Vì nó đã được bảo vệ bằng một lớp mật khẩu hoặc mật mã nào đó. Mật khẩu này, chắc chắn, bạn cũng không thể tìm được ở đâu đó trên mạng. Chúng chỉ được cấp phát cho một số người thuộc nội bộ website đó mà thôi.
Deep web tồn tại với mục đích gì?
Internet là một mạng lưới kết nối mọi người lại với nhau, thực hiện các tương tác, hành động phần nào giống với xã hội thực của chúng ta. Trong xã hội, có những cá nhân và hội nhóm không muốn công khai danh tính, các hành động và mục đích của mình. Trên Internet cũng thế.
Và deep web là góc tối dành cho những người như vậy.
Đa phần các trang deep web chứa đựng các nội dung bị cấm hoặc rất cực đoan, kích động. Đó có thể là nơi tụ tập của một nhóm hacker mũ đen chuyên thực hiện những cuộc tấn công mạng. Đó có thể là sào huyệt online của một băng đảng buôn lậu vũ khí, ma túy hay thậm chí là thí nghiệm trên người sống, buôn người, buôn nội tạng.
Dưới deep web có vô số nội dung về bạo lực và tội ác, có thể gây ám ảnh cho những người vì tò mò nhất thời mà ghé vào.
Trong quy mô bài viết không thể mô tả hết về nội dung và các khía cạnh khác của deep web. Chỉ có thể nói rằng nó không phải là nơi ai cũng nên đến và có thể đến. Muốn vào được deep web, bạn cần sử dụng trình duyệt web đặc biệt (trình duyệt Tor), cũng như vượt qua hàng rào bảo mật của website và hàng tá các thử thách khác. Kể cả những cảnh sát mạng, an ninh mạng cũng không dễ dàng truy cập và theo dõi hoạt động của những cá nhân trong deep web.
Cloud computing – điện toán đám mây là gì?
Khi biết rằng deep web là một nơi khác hẳn những gì đang nói, chúng ta quay lại với Internet và một giải pháp cải tiến mô hình hiện hành của Internet: cloud computing.
Theo Wikipedia, cloud computing (còn gọi là điện toán đám mây) là một mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào Internet. Còn trong bài viết này, ta có thể hiểu nôm na cloud computing là một giải pháp cải thiện cách hoạt động của cơ sở hạ tầng tạo nên mạng Internet.
Cơ sở hạ tầng của Internet, như đã biết, chính là các thiết bị kết nối và chủ yếu là các máy chủ. Thông thường, khi muốn tạo một website, bạn sẽ phải đặt website của mình lên một máy chủ riêng (quá trình này gọi là web hosting). Tất nhiên, bạn cần một máy chủ có dung lượng tối đa lớn hơn dung lượng của nội dung và thành phần kỹ thuật (back-end) của website.
Vì vậy, hầu hết mọi người đều phải tính toán trước và mua một máy chủ mạnh hơn, năng suất cao hơn so với nhu cầu để “trừ hao”. Mỗi máy chủ đều có một lượng tài nguyên nhàn rỗi nhất định và tính trên tổng số các máy chủ hiện có trên thế giới, thì đây là một lượng tài nguyên khổng lồ nhưng vô dụng.
Do đó, điện toán đám mây ra đời để tận dụng lượng tài nguyên lớn và quý giá này. Điện toán đám mây sẽ kết nối rất nhiều máy chủ lại với nhau (“đám mây” là một các nói ẩn dụ về sự tập hợp và kết nối phức tạp giữa các máy chủ trong mạng Internet lại với nhau).
Các “đám mây” sẽ dùng những phần tài nguyên nhàn rỗi trên từng máy chủ để phục vụ các dịch vụ web, chẳng hạn như hosting, chia sẻ, truyền tải dữ liệu, v.v… Nếu lượng tài nguyên dư của một máy chủ không đủ, “đám mây” sẽ nhập thêm phần dôi ra của một hoặc nhiều máy chủ khác nữa.
Nói một cách ví von, cloud computing là “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Việc kết hợp các máy chủ và lượng tài nguyên nhàn rỗi trên từng máy chủ lại sẽ giúp khai thác hết tiềm năng của các thiết bị phần cứng. Từ đó, cloud computing giúp Internet có được sức mạnh vô tận, có thể vận hành các dịch vụ phức tạp và khổng lồ với độ tin cậy và năng suất cao.
Ưu điểm khi sử dụng cloud computing
Cloud computing có nhiều ưu điểm, đặc biệt là đối với những cá nhân, doanh nghiệp đang muốn mở một website.
1. Hoàn toàn không phụ thuộc vào các máy chủ vật lý
Khi sử dụng một máy chủ cloud thay vì máy chủ vật lý thông thường, bạn chỉ nêu rõ lượng tài nguyên cần thiết để host website của mình. Dịch vụ sẽ tự động gom các phần tài nguyên nhàn rỗi trong các máy chủ của hệ thống để cung cấp cho bạn. Bạn sẽ vẫn quản lý website và máy chủ như thông thường, bởi sự khác biệt chỉ nằm ở yếu tố kỹ thuật ẩn sâu bên trong.
Nhưng nhờ vậy mà giờ đây bạn không cần chi nhiều tiền để mua một máy chủ vật lý với năng suất và băng thông lớn để phòng hờ nữa. Khi nào bạn cần mở rộng tài nguyên, cứ ra yêu cầu với hệ thống và nó sẽ tự bổ sung các phần nhàn rỗi khác vào.
Cứ hình dung rằng máy chủ cloud là một bộ quần áo có thể co giãn, biến to ra theo sự trưởng thành của đứa con website yêu quý của bạn.
Ngoài ra, việc bạn chỉ cần một lượng tài nguyên vừa đủ cho website của mình sẽ dành ra nhiều chỗ trống cho những người đang cần khác. Khi không chỉ một mà là nhiều người được hưởng những dịch vụ, công cụ mạnh mẽ thì cả thế giới sẽ phát triển nhanh chóng hơn.
2. Tốc độ truy cập quốc tế nhanh hơn
Trong một hệ thống cloud computing, có nhiều cụm máy chủ cách xa nhau về vị trí địa lý nhưng đều có thể chứa các back-end của cùng một website. Điều này khá tương đồng với CDN giúp tăng tốc kết nối từ khắp nơi trên thế giới nhờ vào các mạng lưới POP và các máy chủ biên.
Vì vậy, cloud computing cũng giúp cải thiện tốc độ truy cập từ quốc tế vào website của bạn. Nếu sử dụng các hệ thống cloud computing lớn như của Google, Amazon… có đặt máy chủ ở nhiều nước trên thế giới, thì người dùng ở bất cứ đâu cũng có thể vào trang web của bạn nhanh như khách hàng trong nước.
3. Website cũng ổn định hơn
Tính ổn định là độ khả dụng của website trong mọi tình huống, một website có tính ổn định cao sẽ ít gặp lỗi không thể truy cập. Cloud computing giúp bạn miễn nhiễm với các yếu tố vật lý có thể gây tổn hại đến các máy chủ vật lý.
Website của bạn sẽ không bị sập khi có mất điện xảy ra tại khu vực công ty hoặc có sự cố đường truyền mạng. Các tai nạn nghiêm trọng hơn như hỏa hoạn hay lũ lụt cũng không thể ảnh hưởng được tới thiết bị đang vận hành website. Nếu chẳng may có sự cố xảy ra với một máy chủ trong hệ thống cloud computing, dịch vụ sẽ được chuyển sang các máy chủ khác và sẽ hoạt động bình thường.
Tất nhiên, cloud computing không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho website của bạn.
Nếu bị tấn công mạng hoặc dính virus, trang web của bạn vẫn có thể không khả dụng. Nhà cung cấp cloud computing sẽ tự động tắt website của bạn đi, chặn mọi kết nối đến và đi tới trang của bạn. Lý do họ làm vậy là để ngăn chặn sự lây lan, phát tán mã độc sang các website và dịch vụ trong cùng hệ thống.
Ngoài ra, nếu vi phạm một quy tắc nào đó của nhà cung cấp dịch vụ cloud computing, trang web của bạn vẫn có thể bị down bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, các trường hợp như trên xảy ra không nhiều, cũng rất hiếm khi các máy chủ ở nhiều nơi bị trục trặc cùng một lúc. Vì vậy, độ an toàn và tính ổn định của hệ thống cloud computing là rất cao.
4. Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp có nhận thức hiện đại, đội ngũ IT là một bộ phận rất quan trọng và cần đầu tư mạnh mẽ. Các nhân viên IT cần có kinh nghiệm và chuyên môn sâu sắc để vận hành, bảo trì máy chủ vật lý, thiết bị phần cứng cũng như phần mềm bên trong chúng. Họ còn có nhiệm vụ giảm thiểu rủi ro cho các sự cố vật lý nêu trên xảy ra với máy chủ website.
Nếu không, khi hệ thống gặp trục trặc, sẽ mất rất nhiều thời gian để sửa chữa, ảnh hưởng việc vận hành website, dịch vụ và làm tổn hại đến hình ảnh doanh nghiệp.
Với máy chủ cloud thì khác. Không có cơ sở hạ tầng vật lý, bạn không cần lo lắng về các tai nạn như cháy nổ do quá tải hay sét đánh… Khâu bảo trì và sửa chữa cũng dễ dàng hơn bởi đã có các nhà cung cấp lo liệu. Nói tóm lại, sử dụng cloud computing bạn có thể tiết giảm, hạn chế bớt nhân lực và sự đầu tư vào bộ phận IT này.
Khuyết điểm của Cloud Computing
Có thể nói cloud computing là một giải pháp toàn diện để cải thiện hoạt động của Internet và các cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, thực trạng điện toán đám mây ở Việt Nam lại chưa được hoàn chỉnh như mong muốn.
Lý do là bởi những nhà quản lý máy chủ chưa tìm được tiếng nói chung trong việc hợp tác tạo thành một mạng lưới cloud computing. Các công ty công nghệ của Việt Nam cũng không đủ tiềm lực để có thể đặt nhiều máy chủ ở nước ngoài để tăng tốc truy cập quốc tế. Chưa kể đến chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng quản lý và dịch vụ cloud computing, cloud hosting còn nhiều yếu kém.
Vì vậy, những dịch vụ được sử dụng thường xuyên nhất ở thị trường trong nước chính là của 3 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới: Google, Amazon và Microsoft. Tuy nhiên, những công ty này lại chưa triển khai máy chủ cloud computing ở Việt Nam, vì vậy các dịch vụ của họ nảy sinh những bất lợi dành cho người dùng Việt Nam.
1. Tình trạng đứt cáp
Đứt cáp là vấn đề muôn thuở mà người Việt Nam phải đối mặt, làm suy giảm tốc độ kết nối với quốc tế của người dùng. Theo lẽ thường, cloud computing sẽ hạn chế các ảnh hưởng của các yếu tố vật lý, bao gồm việc đứt cáp.
Tuy nhiên như đã nói, Google, Microsoft và Amazon chưa có bất kỳ máy chủ cloud computing nào ở Việt Nam. Nếu dùng dịch vụ cloud hosting của các công ty này, người dùng muốn vào website thì phải kết nối tới máy chủ ở nước ngoài, gần nhất là Singapore. Khi xảy ra đứt cáp đường truyền quốc tế bị chậm đi, người dùng trong nước sẽ rất khó truy cập vào trang web của bạn.
Ngược lại, truy cập quốc tế tới website sẽ vẫn được bảo đảm tốc độ như bình thường.
2. Phải tuân theo bản quyền phần mềm
Đây cũng là một bất lợi đặc thù của người dùng Việt Nam khi thuê dịch vụ cloud hosting của 3 ông lớn công nghệ là Google, Amazon và Micorsoft.
Các phần mềm được cài đặt lên máy chủ thuộc thẩm quyền của 3 công ty này đều phải tuân thủ những quy tắc của họ, đặc biệt là về bản quyền. Thế nhưng, vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ là một trong những khía cạnh ít được quan tâm nhất ở Việt Nam.
Cụ thể hơn nữa là trong môi trường doanh nghiệp: rất nhiều công ty dùng những phần mềm kế toán, soạn thảo văn bản, chỉnh sửa hình ảnh, các plugin, theme, công cụ website… lậu.
Các máy chủ thuộc hệ thống cloud hositng của Microsoft bắt buộc phải cài hệ điều hành Windows Server có bản quyền mới có thể quản trị được. Nhưng giá của một sản phẩm chính hãng như vậy không phải là rẻ và nhiều công ty, cá nhân từ trước tới nay đã quen dùng những bản lậu được chia sẻ miễn phí.
Nếu không tuân thủ các quy tắc về bản quyền phần mềm, bạn có thể bị nhà cung cấp dịch vụ cloud hosting ngưng phục vụ. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của website và cả doanh nghiệp.
Do đó, đây là một bất lợi, một vấn đề không dễ giải quyết dành cho những cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam muốn sử dụng những dịch vụ cloud computing, cloud hosting từ 3 ông lớn công nghệ trên thế giới.
Kết luận về Cloud Computing
Thông qua bài viết trên, hy vọng các bạn đã hiểu hơn về các Internet hoạt động và giải pháp cloud computing thực sự là gì. Có thể nói, cloud computing cải thiện toàn diện Internet, giải phóng nó khỏi giới hạn của phần cứng vật lý, tạo nên một “đám mây” ảo nhưng lại có sức mạnh thực và vô cùng mạnh mẽ.
Xem video tóm tắt bài viết về cloud computing của Mona Media:
Bài viết liên quan
Dịch vụ thiết kế
website chuyên nghiệp
Sở hữu website với giao diện đẹp, độc quyền 100%, bảo hành trọn đời với khả năng
mở rộng tính năng linh hoạt theo sự phát triển doanh nghiệp ngay hôm nay!