Kinh Doanh Online

18 Tháng Ba, 2023

Fintech là gì? Những thông tin cần biết về Fintech

Fintech là một chủ đề nổi bật, thậm chí là trở nên rất quen thuộc đối với nhiều người , đặc biệt là trong những câu chuyện, cuộc tán gẫu của dân IT trong thời gian gần đây. Nếu bạn là một người có sở thích quan tâm đến công nghệ, kể cả khi không đến mức đam mê thì chắc hẳn cũng đã từng nghe đến thuật ngữ “Fintech” ít nhất một lần.

Bạn thắc mắc khái niệm fintech nghĩa là gì? Sự bùng nổ của fintech là do đâu và điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống xã hội? Vậy thì trong giới hạn bài viết ngày hôm nay, hãy để công ty Mona Media giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó một cách cụ thể và dễ hiểu nhất nhé.

1. ”Bóc trần” sự thật về Fintech – có thể bạn cần biết:

  • Từ những lời “đồn thổi” về Fintech:

Chúng ta đều biết rằng, công nghệ thông tin và mạng Internet đang ngày một phát triển vượt bậc hơn, thậm chí đã và đang đổ bộ vào hầu hết mọi khu vực trên thế giới cũng như mọi ngóc ngách của đời sống xã hội.

Tất nhiên, một ngành kinh tế hiện đại như tài chính-ngân hàng cũng không nằm ngoài xu thế này. Các ứng dụng của công nghệ thông tin được ví như những con sóng mới, làm thay đổi toàn bộ hệ thống mô thức cung ứng và vận hành của các dịch vụ tài chính đã có từ hàng trăm năm nay.

thuật ngữ fintech ra đời từ chính những con sóng đó.

Kể từ khi làn sóng các công ty startup tập trung vào lĩnh vực công nghệ-tài chính nổi lên sau đợt khủng hoảng năm 2008, fintech trở thành đại diện tiêu biểu cho cuộc các mạng kỹ thuật số, được đồn đoán là có thể thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh của ngành ngân hàng.

Một số thống kê cũng cho thấy, nếu công cuộc đầu tư toàn cầu vào fintech trong năm 2013 chỉ đạt khoảng 4 tỷ USD, thì cho đến năm 2016, số liệu đã biến thiên theo chiều hướng tăng lên tới mốc 20 tỷ USD, và dự kiến sẽ tiếp tục đạt đến 120 tỷ USD vào năm 2020. Điều đó cho thấy những tiềm năng vô hạn của loại hình này, nhưng cũng đi kèm với nhiều vấn đề phát sinh khác.

Fintech tác động đến các ngân hàng.

Fintech được đồn đoán sẽ thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh ngành ngân hàng.

  • Chính xác thì Fintech là gì?

Fintech là sự kết hợp giữa Finance (tiền tệ, tài chính) và Technology (công nghệ), hiểu nôm na là công nghệ tài chính. Giải thích một cách đơn giản, thì fintech đề cập đến việc tận dụng sự sáng tạo công nghệ để sử dụng trong các hoạt động, dịch vụ tài chính. Fintech không bắt nguồn từ những hệ thống tiền tệ hiện có, mà nó đánh dấu sự xâm lấn của IT vào những hệ thống tiền tệ đó.

→ Vậy nếu một công ty tài chính bắt đầu áp dụng công nghệ vào vận hành có được định nghĩa là fintech không?

Không. Chúng ta sẽ gọi đó là ứng dụng IT trong công ty tài chính và tuyệt nhiên không thể gọi là fintech.

Fintech được sử dụng trong trường hợp ngược lại: Một công ty IT triển khai service trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính.

Ví dụ:

Ngân hàng Vietcombank đưa ra phần mềm ứng dụng điện thoại di động, cho phép khách hàng giao dịch mobile-banking không được gọi là Fintech.

Công ty Mona Media đưa công nghệ bảo mật dữ liệu mới vào vào dịch vụ Ví điện tử của một số ngân hàng, nhằm cung cấp dịch vụ tiện ích và an toàn cho người sử dụng, đó là fintech.

  • Cá nhân, tổ chức nào quản lý Fintech?

Fintech hiện tại đang hoạt động cho tất cả các công ty đang sử dụng Internet, điện thoại di động, phần mềm mã nguồn mở, công nghệ điện toán đám mây hay tiền mã hóa như Bitcoin, nhằm mục đích giúp giao dịch đơn giản, thuận tiện và cải thiện tính hiệu quả của các hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Thuật ngữ Fintech.

Thuật ngữ Fintech thực chất là gì?

2. Một số thông tin cơ bản về Fintech:

  • Các nhóm đối tượng của Fintech:

Một thị trường tài chính truyền thống sẽ bao gồm 2 đối tượng: Các định chế tài chính (ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm, chứng khoán, công ty tài chính,…) và khách hàng.

Đối với fintech, các đối tượng sẽ bao gồm 3 bên, giữ mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau:

→ Các công ty Fintech:

Đây là các công ty độc lập, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới trong lĩnh vực tài chính.

Khách hàng của các công ty Fintech có thể là người sử dụng cuối cùng và cũng có thể là các định chế tài chính.

→ Các định chế tài chính:

Đây là thực thể quan trọng trong ngành tài chính.

Các định chế ngày càng hợp tác sâu rộng với các công ty fintech, do nhận thấy tầm quan trọng của công nghệ. Mặt khác, bản thân các định chế này cũng trực tiếp đầu tư vào các công ty fintech hoặc các hoạt động nghiên cứu, từ đó chủ động nắm giữ công nghệ mới và chiếm lĩnh thị trường.

→ Khách hàng:

Đối tượng khách hàng ở đây, là người sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính nói chung.

Có thể nói rằng, với những ứng dụng công nghệ mới, thì khách hàng chính là những người hưởng lợi nhiều nhất từ sự cạnh tranh giữa các định chế tài chính, các công ty hay những tiện ích mà công nghệ mới có thể mang lại.

  • Những nhóm sản phẩm chính:

Dựa theo đối tượng sử dụng mà các sản phẩm trong fintech được chia làm 2 nhóm khác nhau, bao gồm:

→ Nhóm thứ 1:

Là các sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng, các công cụ kỹ thuật số và công nghệ khác. Mục đích là cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc và tài trợ vốn cho các startup.

→ Nhóm thứ 2:

Là các sản phẩm công nghệ “back-office”. Nhóm sản phẩm này hỗ trợ hoạt động của các định chế tài chính cũng như bản thân các fintech.

Trên thực tế thì ngoài những dịch vụ thông thường như cho vay, chuyển tiền, thanh toán,… Fintech còn cung cấp nhiều dịch vụ trải rộng hơn, chẳng hạn:

Cho vay ngang cấp (peer to peer lending)

Gọi vốn cộng đồng (crowdfunding)

Tư vấn tài chính (personal finance)

Quản trị dữ liệu (data management)

Công nghệ bảo hiểm (insurtech)

Tiền tệ số (crypto blockchain)

V,v,…

Sản phẩm của Fintech.

Các sản phẩm của Fintech rất đa dạng và nhiều dịch vụ trải rộng.

3. Ví dụ về công nghệ Fintech

  • Trong lĩnh vực tài chính: Nhờ ứng dụng công nghệ Fintech, khách hàng ngày nay đã có thể vay tiền trên các ứng dụng như Doctor Đồng, One Click Money, Cash 24, Money Cat, Senmo…mà không cần gặp mặt. Quy trình từ khâu chuẩn bị hồ sơ đến lúc giải ngân đều được thực hiện 100% online. Khách hàng muốn vay chỉ cần nộp hồ sơ qua website hoặc ứng dụng, tổ chức cho vay sẽ dựa trên các thông tin đó để xét duyệt khoản vay mà không cần phải gặp mặt trực tiếp để thẩm định. Số tiền vay sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng mà khách hàng cung cấp. Quy trình trả nợ cũng được thực hiện 100% online giúp người vay tiết kiệm khá nhiều thời gian và chi phí đi lại.
  • Trong lĩnh vực ngân hàng: Những ứng dụng ngân hàng trên điện thoại (hay còn gọi là Mobile banking) chính là các ví dụ điển hình nhất về Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Những ứng dụng này do ngân hàng quản lý và liên kết với công ty Fintech để triển khai. Khi sử dụng ứng dụng ngân hàng, khách hàng có thể tự mình quản lý tài khoản cá nhân, thực hiện các giao dịch như thanh toán hóa đơn, chuyển khoản nội bộ, liên ngân hàng nhanh chóng mà không phải đến trực tiếp các phòng giao dịch để làm thủ tục. Có thể thấy, công nghệ Fintech là cánh tay nối dài của ngân hàng hỗ trợ ngân hàng dễ dàng kết nối với khách hàng trên khắp mọi miền của đất nước.
  • Fintech trong chứng khoán: Những năm trở lại đây thay vì mở nhiều sàn giao dịch thì giờ đây các công ty môi giới có thể chuyển sang hình thức trực tuyến. Khi đó người chơi chứng khoán không cần đến trực tiếp sàn giao dịch mà vẫn có thể đặt lệnh mua bán với cổ phiếu đang niêm yết trên sàn. Điều này có thể giúp người đầu tư chủ động được thời gian mua và bán của mình, đồng thời giúp người chơi cập nhật liên tục thông tin cổ phiếu hàng ngày. Một số ứng dụng giao dịch chứng khoán tiêu biểu như: Olymptrade, Mitrade…

4. Sự trỗi dậy của Fintech – nguyên nhân do đâu?

  • Tác động của Fintech đối với ngành tài chính:

→ Làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ tài chính truyền thống:

Tác động lớn nhất là đối với ngành dịch vụ ngân hàng. Chúng ta có thể thấy rõ qua xu thế ngày một phát triển mạnh trong những năm gần đây của mạng xã hội, ngân hàng kỹ thuật số, mobile banking, tablet banking, các kênh bán hàng qua internet,…

→ Tổ chức tài chính, ngân hàng “không giấy”:

Việc xu hướng này trở nên phổ biến cũng sẽ trở thành thách thức không hề nhỏ đối với các ngành dịch vụ tài chính truyền thống trong việc giảm dần vai trò của các chi nhánh. Đồng thời, sự cạnh tranh công nghệ tài chính hiện đại cũng sẽ trở nên gay gắt hơn trong các định chế tài chính.

→ Hỗ trợ các ứng dụng công nghệ cao:

Các Big Data sẽ giúp phân tích hành vi khách hàng, giúp các định chế tài chính thu thập dữ liệu bên ngoài và bên trong. Điều này nhằm tiết giảm các chi phí, hỗ trợ quá trình ra quyết định, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng cho khách hàng.

→ Thị phần các ngân hàng có xu hướng giảm bớt, “nhường sân” cho các công ty fintech:

Dễ thấy nhất là thực trạng các ngân hàng hoàn toàn đứng ngoài cuộc trong dịch vụ tiền ảo Bitcoin – hệ thống tiền tệ mới có quy mô ngày một lớn mạnh trên phạm vi toàn cầu.

→ Thị trường lao động lĩnh vực tài chính-ngân hàng có sự thay đổi:

Công nghệ được dự đoán sẽ thay thế cho một lượng lớn nhân viên từ các tổ chức tài chính, bảo hiểm, công ty chứng khoán và ngân hàng,.. Thay vào đó, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao (giỏi cả về công nghệ thông tin lẫn chuyên môn nghiệp vụ tài chính) được chú trọng.

  • Lý do gì khiến Fintech hoạt động mạnh mẽ?

Lý giải cho các hoạt động mạnh mẽ của fintech, đó là bởi fintech có khả năng tái định hình ngành tài chính song song với việc tác động mạnh mẽ đến các yếu tố được xem là quan trọng nhất của ngành này.

Hiện tại, các công ty đều cho vay theo mô hình P2P – kết nối trực tiếp người cho vay và người đi vay qua Internet, và đã cho thấy khả năng hoạt động hiệu quả, giảm tải thời gian xác nhận các khoản vay ở các ngân hàng truyền thống từ vài tuần xuống còn vài giờ.

Mặt khác, nhiều ông lớn trên thị trường tài chính cũng đang thử nghiệm việc áp dụng các đồng tiền ảo như Bitcoin, Ethereum, Ripple trong thanh toán online để thay thế các phương thức thanh toán và tài sản truyền thống.

Tác động của Fintech.

Fintech thật sự tạo ra rất nhiều tác động với ngành tài chính-ngân hàng.

5. Fintech có lừa đảo không

Bản chất của công nghệ Fintech là thúc đẩy cho lĩnh vực tài chính – ngân hàng ngày càng phát triển. Nhưng thực chất cái gì cũng có hai mặt lợi và hại của nó và Fintech cũng không là trường hợp ngoại lệ. Một số mặt tiêu cực của Fintech trong ngân hàng hiện nay:
  • Việc rủi ro của Fintech trong quá trình thanh toán thì rất ít nhưng vấn đề bất cập thường xảy ra nhất đó là cho vay vốn ngân hàng, vay vốn cá nhân, vay vốn cộng đồng,… Có thể nói đây tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho người đầu tư bởi vì Fintech tài chính và ngân hàng hướng đến nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, và các khoản vay vẫn chưa có bảo hiểm tiền gửi đồng thời còn thiếu minh bạch.
  • Bên cạnh rủi ro khiến cho người đầu tư mất tiền thì người đi vay của Fintech cũng đối mặt với nhiều nguy hiểm về vấn đề lãi suất cũng như chi phí không được minh bạch
Ngoài ra, một số hình thức lừa đảo khác mà bạn cần nhận dạng của công ty Fintech:
  • Rao bán các khóa học với học phí cao ngất ngưỡng mà không có giá trị thật
  • Cung cấp các công cụ robot có chất lượng kém, nhằm lừa tiền khách hàng
  • Kêu gọi mời chào thành viên mới để được nhận phí hoa hồng, không khác gì đa cấp
  • Đề ra các dự án ma, lợi nhuận siêu to khổng lồ để dẫn dụ khách hàng nhẹ dạ và thiếu kiến thức
Nếu có một số dấu hiệu này thì bạn tuyệt đối không nên giao dịch để tránh tổn thất nhé. Bởi vì chẳng có một công ty uy tín nào lại đưa ra các lời mời chào, kêu gọi, bịa đặt nhiều lợi ích trên trời để khách hàng mờ mắt như vậy.

6. Rủi ro tiềm ẩn mà Fintech có thể mang đến:

Một số người nghi vấn và đặt ra nhận định rằng fintech không thể thay thế vai trò của các ngân hàng truyền thống do một số hạn chế nhất định, có thể kể đến như:

Các hộ gia đình có thu nhập thấp không thể tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.

Sự lên xuống thất thường từ cổ phiếu của các công ty fintech khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi về tính ổn định cũng như những rủi ro về fintech hoàn toàn là một viễn cảnh có thể xảy ra.

Mặc dù fintech cung cấp nhiều loại hình dịch vụ tài chính, tuy nhiên, sự thuận tiện quá mức có thể khiến một số khách hàng không thực sự hiểu về các quyền hạn lẫn nghĩa vụ của bản thân.

Nhiều vấn đề về tính an toàn, chính xác của hệ thống tài chính Fintech vẫn cần được siết chặt và đảm bảo hơn.

Tuy nhiên, tính cho đến thời điểm hiện tại thì đây vẫn được xem là một lĩnh vực tài chính an toàn, uy tín, không chỉ trên thị trường tài chính tại Việt Nam mà còn ở phạm vi thế giới.

Rủi ro của fintech.

Fintech cũng tồn tại nhiều rủi ro, hạn chế nhất định.

7. Các sản phẩm nổi bật của Fintech

Hầu hết mọi sản phẩm thuộc lĩnh vực tài chính đều ứng dụng Fintech mang đến cho người dùng nhiều trải nghiệm mới và tiện ích. Các sản phẩm nổi bật của Fintech bao gồm:

Bitcoin – Đồng tiền điện tử

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp được nghiên cứu bởi Satoshi Nakamoto và phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở vào năm 2009. Việc trao đổi Bitcoin sẽ được diễn ra trực tiếp với sự hỗ trợ của các thiết bị có kết nối internet mà không cần phải thông qua bất kỳ tổ chức trung gian nào. Chẳng hạn, một khách hàng sinh sống tại Anh có thể chuyển tiền Bitcoin cho đối tác ở Việt Nam trên smartphone có kết nối internet mà không phải thông qua ngân hàng hay các tổ chức trung gian. Khác với các loại tiền tệ điển hình, Bitcoin không có ngân hàng trung ương quản lý. Đồng tiền điện tử này hoạt động dựa trên phương thức ngang hàng trên mạng internet. Có nhiều sàn giao dịch Bitcoin được thành lập ra để các nhà đầu tư dễ dàng thực hiện trao đổi mua bán đồng tiền này. Với nguồn cung được giới hạn ở mức 21 triệu đồng Bitcoin nên đồng tiền này sớm được đón nhân và sử dụng rộng rãi.

Các loại ví điện tử

Ví điện tử là một tài khoản điện tử có vai trò như một phương tiện thanh toán trực tuyến hỗ trợ khách hàng lưu trữ thông tin cá nhân, giao dịch mua bán hàng hóa nhanh chóng và tiện lợi thông qua mạng internet. Trong vài năm trở lại đây, số lượng người dùng ví điện tử tăng mạnh. Một số ví điện tử phổ biến trên toàn thế giới có thể kể tên như: PayPal, Alipay, Google Wallet…

Lending Club – Dịch vụ cho vay vốn

Đây là một nền tảng cung cấp dịch vụ cho vay ngang cấp có ứng dụng công nghệ tài chính tiên phong tại Mỹ. Theo đó, ứng dụng này kết nối những người có sẵn vốn nhàn rỗi để cho vay và những người đang có nhu cầu cần tiền để giải quyết các vấn đề tài chính mà không cần phải thông qua ngân hàng hay một tổ chức trung gian nào khác.

Kickstarter – Gọi vốn cộng đồng

Kickstarter chính thức có mặt đầu tiên tại New York vào năm 2009 cho phép các nhà nghiên cứu, sáng tạo mang dự án của mình ra cộng đồng để huy động vốn từ người tiêu dùng. Quy trình huy động vốn của các nhà khởi nghiệp đều được thực hiện online thông qua mạng internet. Cho đến nay, Kickstarter là trang gọi vốn lớn nhất giúp cho nhiều nhà khởi nghiệp kết nối thành công với các nhà tài trợ vốn.

TransferWise – Dịch vụ chuyển tiền ngang cấp

TransferWise là dịch vụ chuyển tiền ngang cấp được ra đời vào tháng 1/2011 bởi Kristo Käärmann và Taavet Hinrikus. Ban đầu, TransferWise được ứng dụng với mục đích chuyển tiền sang nước ngoài tại London với mức phí hợp lý. Ngay sau đó, ứng dụng này đã được phát triển rộng rãi ra nhiều nước và dần trở nên phổ biến trên toàn cầu.

Robinhood – Ứng dụng hỗ trợ giao dịch chứng khoán

Robinhood là sàn môi giới chứng khoán rất được ưa chuộng tại Mỹ. Nó hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua bán cổ phiếu Mỹ trên nền tảng website và trên ứng dụng được tải về điện thoại. Số lượng người dùng của sàn Robinhood đã tăng mạnh từ 1 triệu người dùng vào năm 2016 tăng đến hơn 13 triệu người dùng vào năm 2020.

8. Những ý kiến trái chiều xung quanh làn sóng mang tên Fintech:

  • Là mối lo ngại với các ngân hàng lớn:

Do sự xuất hiện của fintech tác động quá mạnh mẽ đến ngành tài chính, điều đó chắc chắn sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với các ngân hàng truyền thống.

Bên cạnh đó, các công ty Fintech cũng đang chiếm ưu thế hơn trong cuộc đua giành thị phần. Vậy nên, đối mặt với những bất lợi đó, nếu không bắt kịp xu thế, trong tương lai gần, ngành tài chính-ngân hàng truyền thống chắc chắn sẽ bị fintech bỏ xa.

  • Cú đặt cược lớn của các nhà đầu tư?

Dựa trên tình hình của toàn thế giới, chỉ trong năm 2016 các công ty đầu tư mạo hiểm đã “rót” đến hơn 17 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp, con số này tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2012.

Chỉ riêng tại đảo quốc sư tử Singapore cũng đã có đến hơn 100 startup hoạt động thông lĩnh vực fintech.

Và không phải thung lũng Silicon của Mỹ, Trung Quốc mới chính là điểm nóng cho làn sóng đầu tư vào fintech, và khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ trở thành điểm nóng tiếp theo trong năm 2019.

Mới chỉ có 1 phần nhỏ các công ty Fintech lên sàn, vì vậy nên các nhà đầu tư dự đoán rằng sẽ có một làn sóng M&A lên sàn trong bối cảnh mà các ngân hàng tranh nhau săn lùng những công nghệ họ có thể sử dụng, đồng thời, các công ty startup sẽ đạt được độ trưởng thành. Không quá khó để nhận thấy fintech sẽ trở thành một trong những lĩnh vực đầu tư “nóng” nhất trên thị trường toàn cầu trong thời gian sắp tới.

Fintech là cú cược lớn của các nhà đầu tư.

Fintech là cú cược lớn của các nhà đầu tư, nhưng cũng là mối lo ngại của các ngân hàng lớn.

9. Kết luận:

Fintech mặc dù vẫn là lĩnh vực tồn tại nhiều lo ngại, tuy nhiên những lo ngại này trên thực tế là không đáng kể. Đây vẫn là một ngành công nghệ tài chính đang phát triển mạnh mẽ, và những kiến thức trên mà Mona Media cung cấp trong bài viết trên sẽ không thừa nếu bạn thật sự quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi hy vọng có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích và cần thiết nhất về khái niệm mới mẻ mang tên fintech, chúc bạn luôn thành công!

')}

Dịch vụ thiết kế
website chuyên nghiệp

Sở hữu website với giao diện đẹp, độc quyền 100%, bảo hành trọn đời với khả năng
mở rộng tính năng linh hoạt theo sự phát triển doanh nghiệp ngay hôm nay!

Liên hệ Mona