Việc định giá sản phẩm là một quá trình phức tạp và cần dành ra nhiều thời gian để nghiên cứu kĩ càng. Giá của một sản phẩm bên cạnh việc đảm bảo được chi phí sản xuất, nhân sự, bán hàng, tiếp thị và có thể mang lại lợi nhuận thì còn phải làm sao để thể hiện được uy tín của doanh nghiệp, cũng như cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường. Có rất nhiều chiến lược và phương pháp định giá khác nhau mà tuỳ vào mục đích của doanh nghiệp muốn hướng tới là gì- thâm nhập thị trường, đánh bại đối thủ, tăng lợi nhuận hay thị phần -để có thể áp dụng một cách hợp lý. Ở nội dung dưới đây,
Mona Media sẽ
tổng hợp một số chiến lược và phương pháp định giá sản phẩm đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Cùng tìm hiểu nhé!
Tầm quan trọng của việc định giá sản phẩm
Giá sản phẩm là một yếu tố quan trọng ở nhiều khía cạnh đối với doanh nghiệp:
- Là 1 trong 4 yếu tố trong chiến lược Marketing Mix 4P’s của Philip Kotler.
- Giá mỗi sản phẩm tác động đến doanh thu của doanh nghiệp.
- Giá niêm yết của sản phẩm trên thị trường sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của chúng.
- Giá niêm yết là cách doanh nghiệp thể hiện định vị của mình so với các đối thủ cạnh tranh khác.
Những yếu tố ảnh hưởng đến phương pháp định giá sản phẩm
Có tổng cộng 9 yếu tố tác động đến quá trình định giá cho sản phẩm. Chúng được chia ra thành 2 nhóm, gồm yếu tố nội tại/ bên trong doanh nghiệp (Chi phí sản xuất, Nguồn lực tài chính, Chiến lược giá, Chiến lược định vị) và các yếu tố ngoại tại/ bên ngoài doanh nghiệp (Nền kinh tế, mùa vụ, cầu thị trường, cạnh tranh, tài chính của
khách hàng mục tiêu). Biểu đồ dưới đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn rõ hơn về những yếu tố này.
4 Phương pháp định giá sản phẩm phổ biến
Nhóm phương pháp định giá dựa trên chi phí sản xuất (Cost-based Pricing)
1. Phương pháp định giá markup (markup pricing/ cost-plus pricing)
Doanh nghiệp dùng phương pháp này sẽ xác định giá bằng việc xác định chi phí sản xuất ra một sản phẩm, tiếp theo lấy mức phí này cộng với khoảng lợi nhuận trên từng sản phẩm. Dưới đây sẽ là công thức giúp bạn dễ hình dung hơn:
Ví dụ: Doanh nghiệp A tính được tổng chi phí (gồm nguyên vật liệu, nhân công,…) để làm ra một chiếc xe đạp là 1 triệu đồng. Căn cứ vào tình hình cạnh tranh của thị trường thời điểm đó, doanh nghiệp A này định mức lợi nhuận (markup) là 2 trăm nghìn, sau đó niêm yết giá của mỗi chiếc xe đạp sẽ có giá là 1,2 triệu đồng.
Khi đó, doanh nghiệp B cũng đang hoạt động cùng lĩnh vực và đánh vào cùng phân khúc thị trường với doanh nghiệp A, họ cũng tính được tổng chi phí cho chiếc xe đạp là 1 triệu đồng. Tuy nhiên, vì có lợi thế tài chính tốt hơn, doanh nghiệp B muốn cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp A nên họ định mức lợi nhuận (markup) với giá thấp hơn là 1,1 triệu đồng.
Ở một vài trường hợp, khi doanh nghiệp muốn tăng lợi thế cạnh tranh, hay đơn giản hơn chỉ muốn thanh lý hàng tồn kho, sau đó rút sản phẩm ra thị trường thì con số lợi nhuận (markup) này có thể là 0 hay thậm chí là âm.
Đây là một trong những phương pháp phổ biển, dễ áp dụng và được nhiều doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ trên thế giới lựa chọn. Phương pháp này có ưu điểm đó là dễ dàng tính toán, điều chỉnh linh hoạt được theo tình hình của thị trường cũng như chiến lược của doanh nghiệp, dự đoán được mức lợi nhuận trước cho mỗi sản phẩm.
2. Phương pháp định giá dựa trên điểm hoà vốn (Break-even point pricing)
Phương pháp định giá dựa trên điểm hoà vốn là phương pháp doanh nghiệp áp dụng để xác định giá cho sản phẩm dựa trên mối quan hệ giữa điểm hoà vốn, định phí và biến phí/ sản phẩm.
Một số thuật ngữ bạn cần nắm trước khi đi vào chi tiết của phương pháp này:
- Điểm hòa vốn: Số lượng sản phẩm bán ra để có tổng doanh thu bằng với chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra.
- Định phí: Tổng chi phí cố định trong quá trình sản xuất.
- Biến phí/sản phẩm: Mức chi phí biến động nhằm có thể bán ra một sản phẩm (Thường doanh nghiệp đặt biến phí/sản phẩm nằm ở mức trung bình, thấp nhất hoặc là cao nhất tùy vào tình hình thực tại của mỗi doanh nghiệp).
Có 2 hướng cho doanh nghiệp khi áp dụng phương pháp này:
- Hướng 1: Ước tính/ đặt ra một con số cụ thể làm điểm hòa vốn (mục tiêu), tiếp đó xác định chi phí cố định để sản xuất một số lượng sản phẩm nhất định đưa ra thị trường, ước tính mức biến phí này đối với một đơn vị sản phẩm rồi áp dụng theo công thức bên dưới để tính ra giá cho sản phẩm đó.
- Hướng 2 (Ngược lại với hướng 1): Ước chừng trước cho một mức giá sản phẩm, tiếp theo xác định chi phí cố định để sản xuất một số lượng sản phẩm nhất định đưa ra thị trường, ước tính mức biến phí đối một đơn vị sản phẩm, áp dụng công thức bên dưới nhằm xác định điểm hòa vốn, rồi điều chỉnh mức giá cho đến khi điểm hòa vốn thích hợp với tình hình của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại và chiến lược kinh doanh đã được đề ra.
Nhóm phương pháp định giá dựa trên giá trị khách hàng nhận được (Customer value – based Pricing)
1. Phương pháp định giá theo giá trị của sản phẩm/ dịch vụ (good-value pricing)
Phương pháp này hoàn toàn không được tính dựa trên chi phí đã bỏ ra, mà là dựa vào giá trị khách hàng nhận được sau khi mua sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp sẽ dựa trên những yếu tố dưới đây để quyết định giá thành sản phẩm:
- Chất lượng & thiết kế sản phẩm so với các đối thủ cạnh tranh
- Những tính năng có trong sản phẩm
- Trải nghiệm sử dụng sản phẩm mang lại cho khách hàng
- Công nghệ của sản phẩm so với môi trường công nghệ ở thời điểm hiện tại
- Giá trị thương hiệu mà doanh nghiệp mang lại cùng với sản phẩm cho khách hàng
- Độ khan hiếm của sản phẩm trên thị trường
2. Phương pháp định giá theo giá trị bổ sung (Value-added pricing)
Cơ chế của phương pháp này là thông qua việc so sánh giá trị của sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp đem lại cho khách hàng so với giá trị trừ sản phẩm/dịch vụ của đối thủ. Trường hợp khi giá trị sản phẩm mà doanh nghiệp mang lại cao hơn thì doanh nghiệp sẽ định mức giá cho sản phẩm cao hơn so với của các đối thủ. Điều đó có nghĩa là mức chênh lệch về giá thể hiện sự chênh lệch giá trị sản phẩm. Còn trong trường hợp giá trị của sản phẩm doanh nghiệp thấp hơn so với của những đối thủ, doanh nghiệp cần nghiên cứu thêm sau đó bổ sung những giá trị vào trong sản phẩm để nó có thể cao hơn so với đối thủ, và sau đó thực hiện việc định giá tương tự.
Phương pháp này thường được áp dụng trong những trường hợp mà doanh nghiệp đang sử dụng chiến lược cạnh tranh trực tiếp đối với một hay nhiều sản phẩm khác của đối thủ ở cùng
phân khúc thị trường, đồng thời khẳng định vị thế, định vị thương hiệu so với các đối thủ đó.
Mona hy vọng bài viết này đã giúp bạn nắm được
4 phương pháp định giá sản phẩm phổ biến đang được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Thêm vào đó, bạn còn có thể hình dung được những yếu tố cơ bản có ảnh hưởng trực tiếp đến việc định giá cho một sản phẩm, cũng như hiểu được tầm quan trọng của việc định giá. Hãy cân nhắc và lựa chọn thật khéo léo, dựa theo nhu cầu và mục đích của doanh nghiệp bạn để tối ưu hiệu quả mang lại bạn nhé!